Tháp Eiffel với nghệ thuật Tháp_Eiffel

Ngay từ tháng 2 năm 1887, trước khi hoàn thành, tháp Eiffel đã chịu sự chỉ trích của rất nhiều nghệ sĩ lớn của thời kỳ đó. Alexandre Dumas con, Guy de Maupassant, Charles Gounod, Leconte de Lisle, Victorien Sardou, Charles Garnier, François Coppée, Sully Prudhomme, William BouguereauErnest Meissonier đã cùng nhau soạn một bức thư nổi tiếng để đả kích "cái vô tác dụng và quái dị của tháp Eiffel", đăng ngày 17 tháng 2 năm 1887 trên tờ Le Temps. Ngược lại, những nghệ sĩ khác tỏ ra thích thú với công trình mới và ngọn tháp trở thành một đề tài, hoặc xuất hiện, phổ biến trong nghệ thuật.

Hội họa

Tháp Eiffel trong Triển lãm thế giới 1889Tranh của Paul-Louis Delance

Ngay từ khi việc xây dựng chưa hoàn thành, Georges Seurat rồi Paul-Louis Delance đã lấy tháp Eiffel làm chủ đề cho sáng tác của mình. Năm 1889, họa sĩ Roux tái hiện Lễ hội đêm Triển lãm thế giới 1889 và Jean Béraud với Lối vào Triển lãm 1889.

Tiếp đó, rất nhiều họa sĩ tiếp tục lấy cảm hứng từ tháp Eiffel, như: Douanier Rousseau, Paul Signac, Pierre Bonnard, Maurice Utrillo, Marcel Gromaire, Édouard Vuillard, Albert Marquet, Raoul Dufy, Marc ChagallHenri Rivière[17]. Nhưng họa sĩ vẽ nhiều nhất và lấy cảm hứng trực tiếp từ tháp Eiffel là Robert Delaunay. Trong khoảng thời gian từ 1910 đến 1925, Robert Delaunay đã vẽ khoảng 30 bức sơn dầu trên toan với tháp Eiffel là chủ đề trung tâm[18].

Ngoài ra có thể kể tới André Juillard với bộ 36 cái nhìn về tháp Eiffel (36 vues de la tour Eiffel) theo phong cách của Hokusai với 36 cái nhìn về núi Phú Sỹ. Tượng tự Henri Rivière cũng có 36 cái nhìn về tháp Eiffel với phương pháp in thạch bản[19].

Âm nhạc

Tháp Eiffel là cảm hứng cho nhiều ca sĩ, nhưng trên hết, tháp cùng bãi cỏ Champ-de-Mars và cả vườn Trocadéro là nơi tổ chức rất nhiều các buổi hòa nhạc lớn. Ngày 25 tháng 9 năm 1962, để quảng bá bộ phim The Longest Day, nhà sản xuất Darryl F. Zanuck đã tổ chức một buổi biểu diễn lớn ở Paris. Dịp đó, Édith Piaf, cùng với 1500 ống pháo hoa, đã biểu diễn trên tầng hai của tháp trước 25.000 khán giả[20]. Năm 1966, Charles AznavourGeorges Brassens đã hát ở đây, ủng hộ chiến dịch Thế giới chống nạn đói. Ngày 14 tháng 7 năm 1995, Jean-Michel Jarre tổ chức buổi hòa nhạc kỷ niệm 50 năm thành lập UNESCO, tập trung hơn một triệu khán giả[21]. Gần đây nhất, ngày 10 tháng 6 năm 2000, Johnny Hallyday có một buổi biểu diễn trước 600 ngàn khán giả, sau đó được phát hành thành CD Johnny - Live à la tour Eiffel[22].

Nhiếp ảnh

Trong nghệ thuật nhiếp ảnh, gần như tất cả các nghệ sĩ lớn đều từng thực hiện ít nhất một hình về tháp Eiffel. Có thể kể đến Robert Doisneau với La tour Eiffel "gondolée", André Kertész với Shadows, Marc Riboud với Le peintre de la tour Eiffel hay Henri Cartier-Bresson...[23]

Văn học

Từ thế kỷ XIX cho tới ngày nay, tháp Eiffel xuất hiện trong nhiều tác phẩm văn học, cả ở vị trí chủ đề trung tâm hoặc chỉ như một chi tiết tô điểm, đặc biệt với các nhà văn Pháp, hay đúng hơn là văn học tiếng Pháp. Tuy vậy, cái mới và cái thời thượng của công trình không còn nên trong văn học đương đại, tháp Eiffel ít hiện diện hơn so với thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX.

Trong khi xây dựng và khoảng thời gian đầu sau khi hoàn thành, tháp Eiffel là chủ đề của nhiều phân tích phê bình, thường tiêu cực, đăng trên báo chí. Ngay những dòng đầu tiên của La vie errante, Guy de Maupassant đã viết: "Tôi rời bỏ Paris và cả nước Pháp bởi vì tháp Eiffel hoàn thành làm tôi quá chán nản...". Nhưng sau đó, với thành công lớn của tháp trong việc thu hút công chúng, nhiều nhà văn đã cân nhắc và thay đổi ý kiến.

Roland Barthes trong La Tour Eiffel đăng tải năm 1964 đã dành cho ngọn tháp rất nhiều cảm tình. Dino Buzzati trong Le K. viết về một công nhân hư cấu làm việc trong công trường xây dựng tháp. Pascal Lainé đề cập tới sự thai nghén, quá trình xây dựng công trình trong Le Mystère de la tour Eiffel. Thi ca, tháp Eiffel xuất hiện trong tác phẩm của Guillaume Apollinaire, Blaise Cendrars, Louis Aragon... Tháp cũng là chủ đề cho vở kịch Les Mariés de la tour Eiffel của Jean Cocteau năm 1921.

Điện ảnh và truyền hình

Từ khi công nghệ điện ảnh bắt đầu phát triển, tháp Eiffel có mặt trong các thước phim của những đạo diễn nổi danh nhất. Thời kỳ đầu, tháp xuất hiện trong các bộ phim tài liệu như Panorama pendant l'ascension de la tour Eiffel của Louis Lumière năm 1897, Images de l'exposition 1900 của Georges Méliès năm 1900. Tác phẩm hư cấu đầu tiên với tháp Eiffel làm bối cảnh chính là bộ phim Paris qui dort (Paris ngủ) của René Clair năm 1923, dài 35 phút. Năm 1930, La Fin du monde (Thế giới chấm dứt) của Abel Gance là bộ phim dài đầu tiên về tháp Eiffel, thời lượng 1 tiếng 45 phút.

Từ những năm 1940, các nhà làm phim Hoa Kỳ bắt đầu quan tâm tới tháp Eiffel. Ernst Lubitsch, đạo diễn người Mỹ gốc Đức thực hiện Ninotchka với sự tham gia của Greta Garbo, sử dụng tháp Eiffel như một biểu tượng. Năm 1949, Burgess Meredith lần đầu tiên chuyển thể cuốn tiểu thuyết của Georges Simenon thành tác phẩm điện ảnh The Man on the Eiffel Tower (Người đàn ông trên tháp Eiffel).

Ngày 4 tháng 6 năm 1966, bộ phim truyền hình quan trọng đầu tiên về tháp, La Rose de fer (Bông hoa hồng thép), phần thứ 39 của loạt phim Cinq Dernières Minutes (Năm phút cuối cùng).

Từ những năm 1980, tháp Eiffel xuất hiện trong rất nhiều bộ phim Mỹ. Năm 1985, A View to a Kill, bộ phim thứ 14 về điệp viên 007 và là bộ phim James Bond cuối cùng của Roger Moore, lấy tháp Eiffel làm bối cảnh. Điện ảnh Mỹ ưa chuộng sử dụng hình ảnh tháp Eiffel bị phá hủy như biểu tượng cho Trái Đất bị đe dọa. Ngay từ năm 1953, trong bộ phim The War of the Worlds (Chiến tranh các thế giới), tháp Eiffel đã bị phá hủy. Cuối thế kỷ XX, hình ảnh này được các bộ phim khoa học viễn tưởng Independence Day, Mars Attacks!Armageddon tiếp tục sử dụng.

Các loại hình khác

Sau hơn một thế kỷ tồn tại, hình ảnh công trình nổi tiếng này còn được sử dụng với nhiều mục đích, loại hình khác, như in trên tiền xu, tiền giấy, tem, bưu thiếp, trò chơi điện tử, truyện tranh...

Trong trò chơi chiến thuật thời gian thực Command & Conquer (1995), tháp Eiffel là một trong những mục tiêu của nhiệm vụ GDI (Global Defense Initiative). Năm năm sau đó, tháp tiếp tục xuất hiện trong phiên bản mới của trò chơi này. Trong trò chơi cho Playstation Twisted Metal 2 (1996), tháp Eiffel xuất hiện ở một trong 11 cấp độ, bài "Monumental Disaster" qua Paris. Công trình còn hiện diện trong nhiều trò khác như Onimusha 3: Demon Siege (2004), Evil Genius (2005) và Blazing Angels: Squadrons of WWII (2006).

Một trong những cuốn truyện tranh được biết đến nhiều nhất có sử dụng tháp Eiffel là Adèle Blanc-Sec, tập hai: Le Démon de la tour Eiffel của Jacques Tardi[24]. Tháp Eiffel cũng xuất hiện trong trang bìa Blake et Mortimer của Edgar P. Jacobs, tập 8 S.O.S. Météores[25].

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Tháp_Eiffel http://www.sciencepresse.qc.ca/escrocs/TourEiffel.... http://images.easyart.com/i/prints/rw/lg/1/5/Henri... http://www.parisinfo.com/uploads/d1//0706_tp_table... http://www.postersplanet.com/images/black_and_whit... http://www.singergallery.com/assets/managed/photos... http://villemin.gerard.free.fr/CultureG/Gratciel.h... http://www.lefigaro.fr/flash-actu/2008/02/13/01011... http://www.tour-eiffel.fr/ http://www.tour-eiffel.fr/teiffel/fr/documentation... http://www.tour-eiffel.fr/teiffel/fr/documentation...